Tin tức

Nhiều chủ đề hấp dẫn được chia sẻ tại Hội nghị công nghệ xây dựng FECON lần thứ 5

  • 16.11.2020
  • |
  • 2433 (Lượt xem)

Vừa qua, tại Hà Nội, Hội nghị công nghệ xây dựng FECON lần thứ 5 đã diễn ra thành công với sự góp mặt của đông đảo các thầy trong Hội đồng cố vấn; các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… cùng đội ngũ cán bộ, kỹ sư FECON.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc FECON Lê Quang Hanh cho hay: "Năm 2020 là một năm đặc biệt - năm Covid, tuy nhiên dịch bệnh không thể ngăn cản niềm đam mê khoa học của các đại biểu và người FECON. Hội nghị là một trong những hoạt động tiêu biểu, đại diện cho tinh thần cầu thị - hướng thượng của FECON, đó là không ngừng cải tiến để sẵn sàng nắm bắt những cơ hội và chinh phục các mục tiêu phía trước”.

Hội nghĩ diễn ra với 05 chủ đề xoay quanh quanh các công nghệ xây dựng, biện pháp thiết kế/thi công đang được quan tâm hiện nay. Trong đó có 03 công nghệ do các kỹ sư FECON chia sẻ về quá trình nghiên cứu, ứng dụng thực tế; cùng 02 công nghệ do các chuyên gia khách mời trình bày…

Áp dụng công nghệ túi vật liệu D-Box trong xử lý nền đất yếu ở Việt Nam

Mở đầu Hội nghị, đại diện Công ty TNHH C.G. Engineering Việt Nam đã trình bày chủ đề “Áp dụng công nghệ túi vật liệu D-Box trong xử lý nền đất yếu ở Việt Nam”. Tại đây, diễn giả đã chia sẻ các thông tin chung về công nghệ D-Box như cấu tạo túi vật liệu D-Box, nguyên lý làm việc và phương pháp thi công công nghệ D-Box nhằm giới thiệu một công nghệ mới được áp dụng trong gia cố nền đất yếu tại Việt Nam.

Theo chia sẻ, công nghệ túi vật liệu D-Box đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản và Hàn Quốc để gia cố nền đất cho đường bộ, đường sắt, bãi đậu xe, nhà xưởng... Tại Việt Nam, công nghệ này được giới thiệu lần đầu vào năm 2015 và hiện đã có một số công trình áp dụng và đạt được kết quả khả quan ban đầu.

 Công nghệ thi công hố kích trong điều kiện đặc biệt: Giếng kỹ thuật IWPS Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM - GĐ2

“Công nghệ thi công hố kích trong điều kiện đặc biệt: Giếng kỹ thuật IWPS - Dự án cải thiện môi trường nước TP. HCM – GD2” là chủ đề thứ 2 của Hội nghị, do nhóm kỹ sư Công ty công trình ngầm FECON (FCU) trình bày.

Tại đây, những mô tả về ứng dụng công nghệ thi công cọc ván thép trong công nghệ thi công giếng kỹ thuật đặc biệt – IWPS (Intermediate Wastewater Pump Station) phục vụ công tác khoan kích ngầm; cùng với đó là Quy trình thiết kế, thi công giếng kỹ thuật, phạm vi áp dụng, ưu, nhược điểm và lợi ích của công nghệ này… đã được trình bày một cách chi tiết.

 Theo đó hiện nay, FECON đã và đang đi đầu trong việc áp dụng công nghệ này với những ưu điểm vượt trội mà nó mang lại cho dự án. Cụ thể, công ty công trình ngầm FECON (FCU) đã thiết kế và thi công thành công rất nhiều giếng kích (áp dụng cho đường kính cống D800-D2500) với chiều sâu lớn từ 8 đến 18 m. Một trong số đó là giếng kích IWPS (Intermediate Wastewater Pump Station) tại trạm bơm Đồng Diều, Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là giếng kích lớn nhất và là giếng kích đặc biệt của dự án.

Thiết kế và xây dựng nền móng tuabin gió trên bờ và gần bờ

 “Thiết kế và xây dựng nền móng tuabin gió trên bờ và gần bờ” – một trong những chủ đề được mong đợi nhất Hội nghị đã được đại diện CTV Wind Vietnam (đại diện của Tập đoàn CTE - Cộng hòa Pháp tại Việt Nam) trình bày với nhiều nội dung mới mẻ và hấp dẫn.

Tiềm năng lớn về năng lượng gió dẫn đến việc gia tăng số lượng trang trại gió ở Việt Nam. Việc thiết kế và xây dựng trụ tuabin gió bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như thông số kỹ thuật của tuabin gió, điều kiện địa điểm xây dựng, các tiêu chuẩn, quy định của quốc tế và địa phương và những bất ổn về khí hậu. Do vậy, khi bắt đầu một dự án mới, một số yếu tố cần được chú ý như địa điểm xây dựng tốt nhất, công nghệ tuabin gió, thiết kế và xây dựng của dự án.

Việc thiết kế nền móng phức tạp đòi hỏi cần rất nhiều kinh nghiệm quốc tế để hợp tác với các doanh nghiệp trong nước. Với kinh nghiệm của một chuyên gia trong lĩnh vực này, đại diện CTV đã đặt ra một số vấn đề trong việc thiết kế và thi công móng tuabin gió trên bờ và gần bờ; cùng với đó là giải pháp để tối ưu hóa thời gian và chi phí hoặc giảm thiểu rủi ro cho việc xây dựng các dự án điện gió.

Biện pháp thi công kết cấu chuyển trong nhà cao tầng

Đại diện Công ty Cổ phần Cọc khoan và kết cấu ngầm FECON (FDB) là đơn vị duy nhất mang đến Hội nghị một chủ đề mảng xây dựng dân dụng với nội dung “Biện pháp thi công kết cấu chuyển trong nhà cao tầng”.

Được biết hiện nay, việc áp dụng kết cấu chuyển (Transfer beam, Transfer slab) vào kết cấu nhà cao tầng đang trở nên phổ biến nhằm đáp ứng các nhu cầu về kiến trúc cũng như công năng cho các tầng khối đế, trung tâm thương mại. Vì vậy, gắn liền với bài toán đặt ra về thiết kế kết cấu chuyển thì việc thiết kế biện pháp thi công cho kết cấu chuyển cũng là một bài toán phức tạp mà nhà thầu thi công cần giải quyết để đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ của công trình.

Trong phần trình bày, đại diện FDB đã mang đến cái nhìn tổng quan về biện pháp thi công kết cấu chuyển, từ giai đoạn chuẩn bị đến quá trình thi công cũng như các sai sót thường gặp trong thực tế... khi mà FECON đã và đang bắt đầu tham gia vào mảng này.

Các lưu ý về xử lý đất bằng công nghệ cọc phun vữa xiên

Hội nghị khép lại với chủ đề “Các lưu ý về xử lý đất bằng công nghệ cọc phun vữa xiên” nhóm kỹ sư đến từ Công ty Cổ phần Địa kỹ thuật tiên tiến RAITO-FECON (RFI) trình bày, thu hút sự thảo luận sôi nổi của các chuyên gia và kỹ sư tham dự Hội nghị.

Trong những năm gần đây, công nghệ cọc phun vữa được áp dụng rộng rãi trong cải tạo nền đất, phương pháp này có thể thi công ở độ sâu lớn và tạo được cọc có đường kính lớn hơn các phương pháp truyền thống khác. Hầu hết các phương pháp cọc phun vữa hiện nay được xây dựng theo phương thẳng đứng. Tuy nhiên, trong khu vực đô thị, nơi có không gian xây dựng bị hạn chế bởi các tòa nhà, các khu dân cư và công trình ngầm… thì phương pháp gia cố nền đất bằng cọc phun vữa theo phương thẳng đứng dưới những công trình này gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, phương pháp cọc phun vữa xiên được phát triển để giải quyết những khó khăn gặp phải trong quá trình thi công ở trong khu vực đô thị. Phương pháp này cũng giảm thiểu các tác động bất lợi đối với các công trình lân cận.

Theo đó, nhóm kỹ sư đã giới thiệu đến toàn Hội nghị phương pháp cọc phun vữa xiên và sự cải tiến của FECON-RAITO cho công nghệ này được áp dụng tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3.

Được tổ chức 2 lần/năm, Hội nghị công nghệ xây dựng FECON đã trở thành diễn đàn bổ ích cho toàn bộ khối kỹ thuật của công ty để cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm thực tế trong sản xuất, cũng như nắm bắt các công nghệ mới trên thế giới mà FECON đang hướng đến. Bốn kỳ hội nghị đã diễn ra thành công với sự tham gia và cố vấn của các chuyên gia trong hội đồng khoa học, hàng trăm kỹ sư đến từ hệ thống FECON và các đối tác thân cận. Các chủ đề chính đã được thảo luận trong các kỳ trước có thể kể đến như công nghệ thi công cọc khoan nhồi Full-casing, công nghệ khoan hạ cọc trong đất xi măng, công nghệ thi công tường xi măng đất và neo hotdog trong hố đào sâu.

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *